Nhà tôi có một quán tạp hóa ở giữa làng, trước ủy ban xã, gần trường học, địa điểm thuận lợi nên khá đông khách.
Quán tạp hóa của má tôi bán đủ thứ từ gạo cám, mắm muối đến sợi chỉ cây kim, thậm chí có cả những thứ thuốc thông thường như đau bụng, nhức đầu, và dầu khuynh diệp.
Làng quê tôi thuở ấy nghèo lắm, đa số làm nghề nông nhưng đất đai khô cằn, mỗi năm chỉ trồng lúa, trồng đậu phộng được vào mùa mưa. Mùa nắng cây cỏ vàng cháy quắt queo, đồng không hoang hóa. Còn những người không có được thẻo đất cắm dùi thì làm mướn quanh năm, tay làm hàm nhai, không có việc làm một ngày là không có tiền đong gạo.
Quán rất đắt khách, lẽ ra nhà tôi phải ngày càng giàu hơn mới phải, vậy mà có những hôm má tôi không đủ tiền đi chợ lấy hàng. Những lúc ấy má tôi hay nhìn lên vách ván thở dài. Trên tấm vách ván ngăn căn nhà thành hai nửa, phía trong để ở, phía ngoài bán hàng dày đăc những hàng chữ ghi nợ. Thím hai 1 lít gạo, bà Tư xị nước tương, ba cái hột vịt.., bác Năm 2 gói thuốc cảm...
Tôi thuở ấy mới bảy tám tuổi đầu hay quẩn quanh bên má, mỗi lần thấy ai mua thiếu liền hăng hái lấy phấn viết lên vách ván, khi có ai đến trả tiền lại tích cực xóa đi. Nhưng thường những lần mua chịu nhiều hơn lần trả, những dòng chữ trên vách ngày một nhiều hơn. Có những dòng chữ mau mắn được xóa đi, nhưng có những dòng chữ cứ nằm hoài trên vách từ ngày này sang tháng khác.
Có lần hụt tiền đi chợ, má đứng nhìn lên vách ván hồi lâu rồi không hiểu sao lại lấy giẻ lau đi vài dòng chữ. Tôi ngạc nhiên: "Ủa má ơi, mấy người này chưa trả tiền mà sao má xóa đi?". Má từ tốn: "Bác Hai (hay cô Ba, bà Năm gì đó…) nghèo lắm, mình ghi nợ hoài bác cũng không có tiền trả đâu, má xóa đi, quên là người ta đang nợ thì mình sẽ thấy vui hơn con à".